Cảnh báo : ‘Thần chết’ từ các máy X-quang

    Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin vụ “Người dân quanh Trung tâm Y khoa Hòa Hảo kêu cứu” , nhiều người dân ở một số nơi khác cũng lo ngại bị ảnh hưởng sức khỏe từ máy chụp X-quang của các phòng khám nằm ngay trong khu dân cư.

    Có giấy phép nhưng hết hạn

   Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tới phòng chụp X-quang của BS Nguyễn Tiến Hương (738 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM). Tại đây, BS Hương cho biết phòng chụp có giấy phép sử dụng nhưng... đã hết hạn từ tháng 10-2015. Khi chúng tôi hỏi giấy phép hoạt động X-quang của Sở Y tế TP, ông Hương lục lọi tìm kiếm một hồi rồi nói không thấy.

   Theo ThS Vũ Xuân Đán, Trưởng khoa Vệ sinh lao động-Sức khỏe trường học thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, máy chụp X-quang là thiết bị cổ điển nhất được ngành y tế dùng trong chẩn đoán hình ảnh. Hiện nay các thiết bị hiện đại hơn như MRI (máy chụp cộng hưởng từ) và CT-scanner (chụp cắt lớp) tương đối đắt tiền và đòi hỏi những điều kiện kỹ thuật cao hơn nên chỉ các bệnh viện lớn mới trang bị. Các phòng khám đa khoa, phòng chẩn đoán hình ảnh ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM chủ yếu sử dụng máy X-quang.

   “Công nghệ X-quang sử dụng tia X là một dạng sóng điện từ có bức xạ năng lượng cao, có khả năng gây ion hóa vật chất có thể nguy hiểm đối với sức khỏe con người” - ông Đán cho biết.

   Một bác sĩ của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết thêm hiện nay còn nhiều nơi, đặc biệt ở các bệnh viện cấp huyện và các phòng khám tư, các chỉ tiêu an toàn bức xạ của các phòng chụp X-quang như diện tích phòng đặt máy chụp, tường trát barit, cửa chắn chì, buồng điều khiển, kính chì ô quan sát, chất lượng máy cũng như phương tiện phòng hộ cá nhân... đều không đạt chuẩn.
Giấy phép sử dụng phòng chụp X-quang của BS Nguyễn Tiến Hương đã hết hạn từ tháng 10-2015. Ảnh: TRẦN NGỌC

    Bắt buộc kiểm định một lần/năm

   BS Đỗ Quốc Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, cho biết trước khi đưa vào sử dụng, máy X-quang phải được Sở Khoa học và Công nghệ cấp phép sử dụng, Trung tâm Hạt nhân TP.HCM đánh giá an toàn bức xạ, sau đó đến lượt Sở Y tế TP.HCM thẩm định và cấp phép hoạt động.

   Tuy nhiên, thực tế có một số phòng khám trên địa bàn TP sử dụng máy chẩn đoán hình ảnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như X-quang, CT hay MRI… nhưng chưa được Sở Y tế phê duyệt. Lãnh đạo Sở đã có chỉ đạo phòng y tế các quận/huyện phối hợp với các phòng chức năng và Thanh tra Sở kiểm tra việc này. Cơ sở nào không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sẽ bị xử lý.

   ThS Vũ Xuân Đán lưu ý thêm, thiết bị X-quang phải được kiểm định mỗi năm một lần do đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay do dịch vụ kiểm tra chất lượng máy X-quang còn thiếu, cơ sở có thiết bị X-quang chưa được kiểm định thì Sở Khoa học và Công nghệ vẫn cấp phép nếu hội đủ điều kiện.

   Cũng theo ThS Đán, phòng X-quang có thể đặt trong khu dân cư nhưng phải thỏa mãn điều kiện che chắn bức xạ. Phải đảm bảo suất liều bức xạ (không tính phông bức xạ tự nhiên) ở sát tường, sát cửa ra vào không lớn hơn 0,5 μSv/giờ (micrô sivơ/giờ) nơi có người ngồi chờ hoặc không lớn hơn 3/10 liều giới hạn đối với nhân viên bức xạ (3 μSv/giờ) nơi chỉ có nhân viên bức xạ làm việc.

  “Trường hợp phòng X-quang nằm kẹp giữa hai nhà có người ở thì suất liều bức xạ ở tất cả điểm đo trong không gian bao quanh phòng X-quang, kể cả ở sát tường phải bằng phông bức xạ tự nhiên” - ông Đán giải thích.


Nguồn : dantri
Share on Google Plus

About Đức Loan

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét